Ngày 26/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã thay Thủ tướng ký Quyết định Phê duyệt Đề án Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 .
Một trong những mục tiêu của đề án này là tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030...
Mục tiêu của Đề án nhằm tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển và ven biển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.
Đề án phấn đấu tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030; phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trong đó phát triển được trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam sẽ có 3-4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu Đông Nam Á vào 2030. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các cụm liên kết ngành và trung tâm kinh tế biển sẽ cao hơn mức chung cả nước.
Theo định hướng của đề án, cụm liên kết ngành kinh tế biển sẽ ưu tiên phát triển các dịch vụ, sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng, thu hút các doanh nghiệp lớn hay dự án đầu tư có quy mô ứng dụng công nghệ cao...đóng góp vào tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, kinh tế biển... Từ đó, các mô hình liên kết phát triển kinh tế biển này sẽ góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh vùng biển đảo.
Tại những khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh biển đảo, đề án đưa ra định hướng phát triển cụm liên kết ngành gắn với các trung tâm kinh tế biển lưỡng dụng kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Riêng tại khu vực biển miền Trung, Phú Yên là tỉnh thuộc cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Nam Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận) với khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam Á. Trong đó, phát triển nhiều lĩnh vực trọng điểm như: Du lịch biển đảo, hình thành các khu trung tâm thương mại cho khách du lịch, khu đô thị du lịch biển quốc tế Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa phát triển là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thám hiểm biển có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương; Dịch vụ hậu cần cảng biển, hàng hải và dịch vụ logistics quốc tế; Công nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất chế phẩm sinh học, hóa phẩm, hóa dược, cơ khí,…
Theo các chuyên gia, để cụ thể hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, trước hết cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu..., trong đó, xây dựng kinh tế biển xanh là nền tảng.
Theo đó, kinh tế biển xanh vừa bảo đảm cho kinh tế phát triển, vừa bảo đảm được sự phát triển của các hệ sinh thái biển thông qua các phương thức, như giảm phát thải carbon, tăng trưởng theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Việc phát triển kinh tế biển xanh thể hiện rõ vai trò của việc bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái biển, hay còn gọi phát triển theo hướng tiếp cận hệ sinh thái.
Việt Nam có lợi thế về giao thông đường biển, khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics, nhất là khi có tới 114 cửa sông, 52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung, hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn. Mặt khác, vị trí thuận tiện cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển rất thuận lợi làm cảng biển và phát triển các khu kinh tế ven biển.
Tải Quyết định số 892/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tại đây
Nguồn: Trung tâm XTĐT&HTDN.